01/21/2022
Bỗng nhiên tin nhắn báo có 10 triệu đồng trong tài khoản với nội dung “chị N vay”, chị Đ.H.N (trú xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) còn ngơ ngác chưa rõ nguồn gốc số tiền này từ đâu thì có tài khoản Zalo kết bạn, thông báo công ty tài chính đã giải ngân “khoản tiền chị vay”.
Hoàn toàn không vay tiền nhưng bỗng nhiên bị biến thành con nợ với 10 triệu đồng. Thấy có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chị N. đã thực hiện các thủ tục tra soát với ngân hàng, đồng thời giao toàn bộ số tiền trên cho cơ quan Công an giải quyết. Biết hành vi lừa đảo bất thành, các đối tượng lập tức gọi điện, nhắn tin đe dọa, khủng bố tinh thần chị N.
Tương tự, anh N.H.L (ngụ tại thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương), một người kinh doanh hàng hóa online cũng nhận được 20 triệu đồng trong tài khoản. Tưởng là tiền khách hàng chuyển, anh L. rút 15 triệu để nhập hàng về. Chỉ ít giờ sau, một số điện thoại lạ gọi tới thông báo đã chuyển nhầm 20 triệu đồng vào tài khoản của anh, đề nghị anh chuyển trả lại. Biết không lừa được anh L. theo hình thức cung cấp mã OTP nhằm rút sạch tiền của chủ tài khoản ngân hàng, anh L. bị các đối tượng liên tục gọi điện uy hiếp, khủng bố tinh thần.
Ông Đ.M.C (trú tại phường 8, TP Đà Lạt) lại bị lừa đảo dưới một hình thức khác. Do biết ông C. đang có nhu cầu vay tiền, một đối tượng đã mời ông C. cài đặt ứng dụng có tên CG CREDIT để vay tiền. Sau khi đăng ký và làm thủ tục vay 40 triệu đồng, ngay lập tức có đối tượng liên lạc giới thiệu là nhân viên của app, thông báo thông tin ông đăng ký bị sai, cần phải nạp vào 8 triệu đồng để giải ngân. Khi tiền được nạp vào tài khoản theo yêu cầu, ông C. vẫn được thông báo là không giải ngân được, muốn giải ngân được phải nạp thêm 20 triệu đồng nữa. Biết bị lừa, ông C. đã trình báo sự việc tới cơ quan Công an.